Chi phí thụ tinh nhân tạo IVF 2023 bao nhiêu là mối quan tâm hàng đầu của các cặp vợ chồng đang có dự định làm IVF trong năm nay bởi lẽ con đường làm IVF có lắm chông gai và rủi ro. Tỉ lệ thành công của IVF không phải 100% và còn giảm dần theo độ tuổi của người vợ. Chính vì vậy, việc dự trù kinh phí khi làm IVF là rất quan trọng. Lập kế hoạch tài chính khi thực hiện IVF sẽ giúp các cặp vợ chồng giảm lo lắng về kinh tế mà bị áp lực về tâm lý, gây ảnh hưởng xấu đến quá trình làm IVF.
CHI PHÍ THỤ TINH NHÂN TẠO IVF 2023
Chi phí thụ tinh nhân tạo IVF 2023 dao động khoảng 70 – 100 triệu đồng/phác đồ điều trị. Chi phí làm IVF ở mỗi cặp đôi là khác nhau, vì quá trình thực hiện IVF phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như tình trạng sức khỏe của hai vợ chồng như thế nào? có các bệnh nền đi kèm cần điều trị trước khi thực hiện IVF không? Thực tế, có rất nhiều trường hợp khi kiểm tra sức khỏe tổng quát, phát hiện các bệnh lý đi kèm, các cặp vợ chồng phải điều trị dứt điểm bệnh nền thì mới có thể tiến hành IVF. Khi đó, chi phí thụ tinh nhân tạo IVF 2023 sẽ phải tăng thêm các chi phí điều trị bệnh nền.
Để hiểu rõ hơn về chi phí thụ tinh nhân tạo IVF 2023, cùng tìm hiểu chi tiết về quy trình thực hiện IVF:
Bước 1: Kiểm tra sức khỏe tổng quát của các cặp vợ chồng
Khi đến bất kỳ các cơ sở điều trị vô sinh hiếm muộn nào, các cặp vợ chồng đều sẽ được chỉ định một số xét nghiệm nhằm kiểm tra, đánh giá chức năng sinh sản và sức khỏe tổng quát.
Đối với người vợ, các xét nghiệm sẽ được chỉ định bao gồm: lấy máu xét nghiệm các bệnh có thể lây truyền qua đường tình dục, xét nghiệm phụ khoa, sàng lọc ung thư cổ tử cung, chụp phim tử cung vòi trứng, sàng lọc ung thư vú (đối với phụ nữ trên 38 tuổi) vào thời điểm sạch kinh trong khoảng 3 – 5 ngày (nên kiêng quan hệ vợ chồng từ đầu chu kỳ). Ở ngày 2 chu kỳ kinh, có thể thực hiện các xét nghiệm về nội tiết (FSH, LH, Estrogen, Progesteron). Những xét nghiệm máu như: AMH, tuyến giáp, miễn dịch, công thức máu – nhóm máu, prolactin… có thể làm vào bất kỳ ngày nào trong chu kỳ kinh. Ngoài ra, bác sĩ sẽ khám tiền mê để đánh giá tình trạng sức khỏe của người vợ có đủ điều kiện thực hiện gây mê trong quá trình chọc hút trứng hay không.
Đối với người chồng, ngoài các xét nghiệm máu để đánh giá liệu có mắc các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục như giang mai, HIV, viêm gan B… thì người chồng sẽ cần làm các xét nghiệm tinh dịch đồ, nhiễm sắc thể đồ…
Chi phí thụ tinh nhân tạo IVF 2023 ở bước này dao động từ 3 – 6tr cho các xét nghiệm nêu trên.
Khoảng thời gian thực hiện các xét nghiệm được chỉ định cũng chính là thời điểm quan trọng để các cặp vợ chồng lắng nghe sự tư vấn từ bác sĩ để chuẩn bị tâm lý, cân nhắc tài chính, sắp xếp công việc.. nhằm bước vào quy trình chính thức của IVF.
Bước 2: Kích thích buồng trứng
Người vợ được tiêm thuốc kích thích buồng trứng liên tục mỗi ngày song song với việc siêu âm và làm xét nghiệm máu nhằm theo dõi sự phát triển của nang noãn và nội mạc tử cung đồng thời điều chỉnh lượng thuốc tiêm vào tùy theo cơ địa của người vợ. Quá trình kích thích buồng trứng này thường diễn ra từ 9 – 12 ngày. Khi nang noãn đạt kích thước theo yêu cầu, người vợ cần tiêm mũi kích rụng trứng để kích thích trứng trưởng thành. Mũi tiêm này rất quan trọng và cần tiêm đúng giờ theo chỉ định của bác sĩ.
Với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm IVF chi phí tiêm kích trứng vào khoảng 25.000.000 VND đến 35.000.000 VND. Giá tiêm thuốc kích trứng có sự chênh lệch lớn giữa các cơ sở điều trị do phụ thuộc vào các yếu tố như: địa chỉ thực hiện tiêm thuốc kích trứng, bác sĩ thực hiện, độ nhạy của buồng trứng với thuốc…
Bước 3: Chọc hút trứng
Quá trình chọc hút trứng sẽ được thực hiện qua ngã âm đạo khoảng 36 – 40 giờ sau mũi tiêm kích rụng trứng. Khi chọc hút trứng, người vợ sẽ không cảm thấy đau đớn do được gây mê nhưng cần ở lại bệnh viện theo dõi sức khỏe sau khi thực hiện trong khoảng 2 – 3 giờ. Thời gian chọc hút trứng khoảng 10 – 15 phút. Trứng sau khi hút ra sẽ được kiểm tra dưới kính hiển vi. Cùng lúc đó, người chồng được lấy mẫu tinh trùng tươi hoặc rã đông mẫu tinh trùng được đông lạnh trước đó để chuẩn bị cho việc thụ tinh với trứng.
Chi phí thụ tinh nhân tạo IVF 2023 ở giai đoạn chọc hút trứng dao động từ 22 – 35tr.
Bước 4: Thụ tinh để tạo phôi
Tại phòng thí nghiệm, trứng và tinh trùng sẽ được thụ tinh để tạo phôi. Phôi tạo thành sẽ được nuôi cấy trong môi trường chuyên dụng khoảng 2 – 5 ngày. Bác sĩ và chuyên viên phôi học sẽ thông báo cho các cặp vợ chồng số phôi và chất lượng phôi tạo thành. Hiện nay có 3 thời điểm phân loại phôi: Phôi Ngày 2, Phôi Ngày 3, Phôi Ngày 5. Việc phân loại phôi theo ngày tuỳ thuộc vào số lượng – chất lượng trứng và chất lượng phôi của mỗi cặp vợ chồng. Mỗi cặp vợ chồng sẽ có từ 0 – 10 phôi hoặc nhiều hơn. Nếu sử dụng phôi Ngày 5 sẽ tốn thêm chi phí nuôi phôi từ Ngày 2,3 lên Ngày 5.
Số lượng phôi của mỗi người sẽ ảnh hưởng nhiều đến chi phí thụ tinh nhân tạo IVF 2023 vì sau khi tạo phôi, 1 – 2 phôi tốt sẽ được sử dụng cho lần chuyển phôi đầu tiên, số phôi còn lại sẽ được trữ lạnh (tùy mong muốn của gia đình). Chi phí trữ đông 1 phôi đầu tiên là 8 triệu, phôi thứ 2 trở đi sẽ thêm 2 triệu/phôi. Vì vậy, khi có càng nhiều phôi thì chi phí sẽ càng cao (chi phí trữ phôi sẽ dao động từng trung tâm). Người có 1 phôi và người có 10 phôi chi phí sẽ chênh lệch vài chục triệu.
Bước 5: Chuyển phôi
Có hai kỹ thuật chuyển phôi: chuyển phôi tươi và chuyển phôi đông lạnh. Trường hợp được chuyển phôi ngay sau khi tạo ra, gọi là chuyển phôi tươi. Ngược lại, trong một số trường hợp, toàn bộ số phôi đạt chất lượng sẽ được trữ đông, người vợ sẽ được chuyển phôi vào các chu kỳ tiếp theo. Trong thời gian chờ chuyển phôi, người vợ sẽ được dùng thuốc đường uống và đặt âm đạo để nội mạc tử cung đạt trạng thái tốt nhất. Bác sĩ sẽ chỉ định chuyển phôi sau khi kiểm tra và thấy rằng niêm mạc tử cung đủ độ dày cần thiết, chất lượng tốt, thuận lợi cho sự làm tổ và phát triển của phôi sau khi đặt vào buồng tử cung. Quá trình chuyển phôi thường diễn ra nhẹ nhàng, từ 5 – 10 phút. Sau khi chuyển phôi, người vợ có thể ra về, không nằm lại theo dõi tại bệnh viện. Xuyên suốt 2 tuần tính từ ngày chuyển phôi, người vợ tiếp tục sử dụng các loại thuốc nội tiết theo chỉ định của bác sĩ.
Chi phí chuyển phôi tươi (cấy phôi vào buồng tử cung) dao động từ 20 – 30 triệu/ lần chuyển phôi. Nếu tất cả các phôi được đông lạnh (do tình trạng sức khoẻ, nội tiết, nội mạc tử cung chưa thuận lợi) thì người vợ sẽ được thực hiện chuyển phôi ở chu kỳ sau. Chi phí rã đông phôi và chuyển phôi sẽ từ 25 – 30 triệu/lần.
Bước 6: Thử thai
14 ngày sau chuyển phôi, người vợ đến bệnh viện để xét nghiệm beta HCG. Nồng độ beta HCG sau 2 tuần chuyển phôi nếu lớn hơn 25 IU/l là có thai, nồng độ này cao thấp còn tuỳ thuộc từng cơ thể mỗi người và số lượng phôi làm tổ sau khi chuyển. Nếu nồng độ beta HCG sau 2 ngày tăng gấp rưỡi trở lên thì thai đang phát triển, người mẹ tiếp tục dùng thuốc dưỡng thai đến ngày siêu âm để xác định túi thai và tim thai. Nếu nồng độ beta HCG sau 2 ngày không tăng hoặc giảm thì tiếp tục theo dõi. Trường hợp sẩy thai, nồng độ beta nhỏ hơn 5 IU/l. Khi chưa có thai nhưng còn phôi trữ, người vợ có thể tiếp tục dùng phôi trữ để chuyển vào tử cung ở các chu kỳ tiếp theo mà không cần lặp lại các bước kích thích buồng trứng hay chọc hút trứng.
Chi phí cho xét nghiệm beta HCG dao động từ 180.000 – 300.000.
Với một chu kỳ thực hiện IVF như trên sẽ dao động quanh con số 100tr (tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh lý của hai vợ chồng, số phôi hiện có và số lần chuyển phôi). Do đó trước khi bắt đầu đi vào “con đường tìm con”, các cặp vợ chồng nên tìm hiểu chi tiết từng vấn đề liên quan đến một chu kỳ thực hiện IVF bao gồm những dịch vụ kỹ thuật gì để từ đó có một kế hoạch dự trù kinh phí tốt nhất.